1. Bệnh thủy đậu là gì?
- Bệnh thủy đậu còn gọi là phỏng rạ/trái rạ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên.
- Bệnh xảy ra mọi lứa tuổi,nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất.
- Đây là bệnh lành tính nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Phụ nữ có thai mắc bệnh có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật thai nhi.
- Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất.
2. Nguyên nhân lây bệnh
- Thủy đậu là bệnh do virus varicella-zoste, bệnh rất dễ lây cho những người không miễn dịch với nó.
- Lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt, nước mũi của người bệnh bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi, chảy nước mũi...
- Lây qua tiếp xúc với đồ vật, dụng cụ (khăn cốc, bát,thìa, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa ...) bị nhiễm vi rút hoặc tiếp xúc trực tiếp với bọng nước bị vỡ.
- Lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai và trong khi đẻ.
3. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh
- Triệu chứng thường xuất hiện từ 14 - 16 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với người bệnh.
- Biểu hiện của bệnh:
+ Sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người và toàn thân phát ban.
+ Các nốt đỏ xuất hiện rải rác trên da, gây ngứa tiến triển nhanh thành bọng nước.
+ Nếu bị nhiễm trùng bọng nước sẽ to, có mủ, lâu khỏi và có thể tạo thành sẹo lõm.
4. Các biện pháp phòng bệnh
Để thực hiện tốt việc chăm sóc người bệnh và phòng chống lây lan cho những người xung quanh, chúng ta cần:
* Đối với người bệnh
- Cách ly: Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, học sinh phải nghỉ học).
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: Khăn mặt, ly, chén, muỗng, bát, đũa, thìa….
- Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm.
- Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.
- Đối với trẻ em: Nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
- Dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
- Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: Nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh...
- Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
*Đối với người thân
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi của người bệnh hằng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.
- Tiêm ngừa vắc xin: Là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh Thủy đậu. Vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (>97%) và kéo dài.
- Những người sống và làm việc trong môi trường tập thể với người đang mắc bệnh, người chuẩn bị đi đến vùng đang có dịch bệnh, trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu. Việc chủ động tiêm ngừa sẽ giúp cho các trẻ em được trang bị đầy đủ kháng thể chống lại bệnh, giúp cho những ai chưa từng bị thủy đậu không còn phải lo lắng vì bệnh này, vừa giúp cho ngành y tế chủ động phòng chống làm hạn chế dịch bệnh xảy ra.